Trả lời báo giới, đại diện Toyota xác nhận hơn 8.000 xe có thể gặp 3 vấn đề về chất lượng mà kỹ sư Lê Văn Tạch “tố” nhưng cho biết đã có biện pháp khắc phục tại dây chuyền cũng như tiến hành kiểm tra đánh giá đồng thời khẳng định các xe liên quan vẫn đảm bảo chất lượng an toàn theo quy định và không cần phải thu hồi.
Trong cuộc trao đổi với báo chí chiều (1/4), ông Yoshida, Giám đốc sản xuất của Toyota Việt Nam đưa ra giải trình chi tiết về 3 vấn đề chất lượng mà kỹ sư Lê Văn Tạch đã “tố” lên Cục Đăng kiểm.
Theo đó, đại diện Toyota thừa nhận quy trình sản xuất xe Innova đã có 3 vấn đề liên quan tới áp suất dầu phanh của xi lanh phanh bánh sau, bu lông bắt móc neo chân ghế và bu lông camber. Cụ thể, về vấn đề áp suất dầu phanh, có tối đa 200 xe Innova J (sản xuất từ 2/2010 đến 11/2010) trong diện liên quan, về lỗi bu lông bắt móc neo chân ghế có khoảng 1.050 xe (sản xuất từ tháng 4 đến tháng 12/2010) bị ảnh hưởng còn liên quan tới vấn đề bu lông camber, có khoảng 7.580 xe (sản xuất từ tháng 1/2006 đến 10/2006) được xác định có thể có liên quan. Như vậy, có tổng cộng 8.830 xe có thể liên quan tới các vấn đề chất lượng nói trên.
Tuy nhiên, liên doanh này khẳng định đã có hành động cụ thể để xử lý sự cố trong quy trình sản xuất và tiến hành thử nghiệm thực tế trên một số xe trong diện liên quan đồng thời lấy ý kiến một số khách hàng sử dụng dòng xe này. Việc kiểm tra đánh giá cho thấy các xe liên quan vẫn đảm bảo chất lượng an toàn và không cần phải thu hồi.
Trả lời phóng viên về việc Toyota đã thông báo cho khách hàng và cơ quan chức năng về vấn đề này chưa, đại diện liên doanh này cho biết sau khi phát hiện ra vấn đề, do xác định không ảnh hưởng tới an toàn của khách hàng nên Toyota chưa thông báo cho khách hàng cũng như Cục Đăng kiểm.
Liên doanh này cũng tin tưởng rằng có đủ khả năng xử lý vụ việc nên không cần mời chuyên gia bên ngoài nhưng cũng đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu cần Toyota luôn sẵn sàng mời chuyên gia của bên thứ 3 cùng kỹ sư Tạch để tiến hành thử nghiệm các xe có liên quan dưới sự chứng kiến của báo giới.
Liên quan tới lời “tố” của kỹ sư Tạch về việc lãnh đạo Toyota Việt Nam đã không điếm xỉa tới các phản ánh về 3 lỗi này, đại diện Toyota khẳng định 3 lỗi trên không chỉ được phát hiện bởi một người mà bởi một nhóm kỹ sư. Sau khi có báo cáo về vấn đề chất lượng, liên doanh này đã cho điều tra và khắc phục ngay lập tức. Liên quan tới kỹ sư Tạch, đại diện Toyota cho biết đã có làm việc và giải thích với kỹ sư nay nhưng cho rằng sự giải thích của người quản lý của anh Tạch có thể “chưa tốt” nên anh Tạch không thấy thỏa mãn. Toyota cũng đã có kế hoạch báo cáo giải trình với Cục Đăng kiểm trong thời gian sớm nhất.
Cung cấp thông tin về vấn đề áp suất dầu phanh của xi lanh phanh bánh sau, đại diện Toyota cho biết ngày 24/11/2010, các kỹ sư của Toyota phát hiện thấy áp suất dầu phanh của xi lanh phanh bánh sau của một số xe Toyota Innova J đang sản xuất cao hơn so với mức áp suất xi theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Toyota (Cụ thể theo tiêu chuẩn kỹ thuật, mức áp suất này là từ 27,8 – 42,3 kgf/cm2) trong khi đó một số xe có áp suất lên tới gần 60 kgf/cm2.
Nguyên nhân vụ việc được cho là do van điều hòa lực phanh theo tải trọng xe (LSPV) của xe không ở vị trí chuẩn nhất và việc này xuất phát từ việc đồ gá (thiết bị sản xuất) được lắp đặt không hoàn toàn khớp so với giá trị tiêu chuẩn. Lỗi này có thể khiến phanh ăn hơn bình thường và về lý thuyết thì xe có khả năng bị rê đuôi cao hơn so với phanh ăn ít hơn ở điều kiện ma sát mặt đường thấp.
Sau khi phát hiện ra vấn đề, Toyota đã đã chỉnh lại đồ gá sao cho mức áp suất xi lanh phanh tập trung vào khu vực 40 kgf.cm2, kiểm tra lực phanh của toàn bộ xe xuất xưởng, kiểm tra và chỉnh van điều hòa lực phanh LSPV về vị trí chuẩn cho toàn bộ những xe ô tô chưa xuất xưởng.
Sau khi điều tra, liên doanh này xác định lỗi ở đồ gá lắp ráp xe Innova J xuất hiện từ tháng 2/2010 đến 11/2010 nên dự kiến có khoảng 200 xe Innova J (tổng số xe lắp ráp với đồ gá này) có thể có mức áp suất xi lanh cao hơn quy định. Tuy nhiên, qua thử nghiệm thực tế và phỏng vấn một số lái xe taxi sử dụng các xe trong diện liên quan, Toyota khẳng định không phát hiện ra điều gì bất thường và cũng chưa nhận được một khiếu nại nào từ khách hàng.
Qua vụ việc này, Toyota sẽ xem xét khả năng làm việc với các đơn vị bảo dưỡng, sửa chữa về việc bổ sung hạng mục kiểm tra áp suất xi lanh phanh sau, thực nghiệm phanh xe, dựa trên đề xuất và thống nhất với các đơn vị bảo dưỡng, sửa chữa trong tương lai.
Về vấn đề bu lông bắt móc neo chân ghế bị giảm lực siết, ngày 20/12/2010, các kỹ sư của Toyota Việt Nam đã kiểm tra 20 xe Innova trong đợt sản xuất thì nhận thấy 10 xe có hiện tượng một trong 08 bu lông bắt 04 móc neo ở hàng ghế cuối (bu lông số 8) giảm lực siết so với mức tiêu chuẩn kỹ thuật của Toyota (Cụ thể là với điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật, thì lực xiết là từ 200 kgf.cm đến 600 kgf.cm, trong khi đó trong 10 xe gặp hiện tượng giảm lực như trên, mức thấp nhất là 144 kgf.cm).
Nguyên nhân lỗi này được xác định là giữa hai tấm thép của sàn xe xuất hiện khe hở ở công đoạn hàn, khi keo làm kín được phun vào gầm xe ở công đoạn sau, có khả năng keo lọt vào giữa hai tấm thép sàn xe. Điều này có thể làm giảm lực siết bulông bắt móc neo chân ghế vào sàn xe gây tiếng kêu tại chân ghế.
Sau khi phát hiện ra lỗi, liên doanh này đã tiến hành bổ sung công đoạn kẹp chặt hai tấm thép trước khi hàn để loại bỏ khe hở giữa hai tấm thép nhằm tránh keo lọt vào ở công đoạn sau, kiểm tra 60 xe trên thị trường một cách ngẫu nhiên có ngày xuất xưởng từ 11/12/2008 đến 28/12/2010 và xác định không có hiện tượng giảm lực siết đồng thời khẳng định lỗi trên không ảnh hưởng tới an toàn chung của xe.
Về vấn đề xiết bu lông camber khi xe không ở trạng thái tiêu chuẩn, kỹ sư của Toyota phát hiện có thể xảy ra việc siết bu lông camber khi xe không ở trạng thái tiêu chuẩn kỹ thuật của Toyota.
Nguyên nhân là do trong một số thời điểm, công nhân trong dây chuyền lắp ráp đã gá bu long bằng súng vặn ốc. Trong tình huống xấu nhất, việc này sẽ tạo ra tiếng kêu nếu bu lông này bị lỏng và bạc camber có thể bị giảm độ bền so với thiết kế.
Để xử lý, Toyota đã bổ sung hướng dẫn lắp ráp công đoạn siết bu long camber, chuẩn bị làm việc với các đơn vị bảo dưỡng, sửa chữa để bàn việc bổ sung hạng mục kiểm tra bu lông camber dựa trên đề xuất và thống nhất với các đơn vị bảo dưỡng, sửa chữa trong tương lai.
Xe360.vn(nguồn vtc)