Chặng đường một thập kỷ nhiều sóng gió của ôtô nhập khẩu Việt Nam được khởi đầu bằng “điểm nổ” 2009...
Trong một thập niên, thị trường ôtô nhập khẩu Việt Nam đã có 2 lần lập đỉnh rồi lại xuống đáy.
Như một chiếc xe xuyên rừng, thị trường ôtô nguyên chiếc (CBU) nhập khẩu Việt Nam trải qua chặng đường 10 năm hết lập đỉnh lại xuống đáy.
Đỉnh và đáy
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này năm 2009 đạt gần 80.600 chiếc về lượng và trên 1,2 tỷ USD về giá trị, gần như ngang bằng so với sản lượng bán hàng của các loại ôtô sản xuất trong nước (CKD) lúc bấy giờ.
Điểm nhấn đáng chú ý là sự bùng nổ của ôtô nhập khẩu năm 2009 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn do ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008.
Đây cũng là giai đoạn mà câu chuyện tổng dung lượng thị trường thường xuyên được các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô nhắc đến như một điều kiện tối thiểu để có thể phát triển ngành công nghiệp ôtô nội địa.
Chính sự bùng nổ mang yếu tố bất thường năm 2009 đã báo hiệu trước những trắc trở của thị trường ôtô nhập khẩu giai đoạn sau đó.
Trong bức tranh thị trường năm 2009, nét vẽ đậm nét nhất và cũng ít nhiều thể hiện sự cẩu thả của ôtô nhập khẩu chính là tình trạng trăm hoa đua nở. Giai đoạn này, có thể hình dung ra bối cảnh nhà nhà buôn xe nhập khẩu khiến cho lượng xe về nước quá nhiều. Khi sức mua chưa tương xứng, xe nhập khẩu bị tồn đọng khiến cho ôtô nhập khẩu, có những thời điểm, bị dồn cả ra bất kỳ những bãi đất trống ngoài trời nào.
Sự dư thừa ôtô nhập khẩu năm 2009, cùng với đó là tình trạng xe tồn đọng trong điều kiện kém bảo quản dẫn đến chất lượng bị ảnh hưởng, đã trở thành tác nhân chính khiến kim ngạch nhập khẩu giảm liên tiếp 2 năm sau đó.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, sau "điểm nổ" 2009, lượng ôtô CBU về nước năm 2010 đã giảm một mạch 33,2% xuống còn 53.841 chiếc. Giá trị kim ngạch cũng giảm 22,9% xuống còn 978 triệu USD.
Sang năm 2011, lượng xe nhập khẩu giảm mạnh và các doanh nghiệp buộc phải cắt lỗ bằng cách bán rẻ xe cũ, thậm chí có doanh nghiệp lớn phải lập công ty vận tải taxi để tận dụng xe tồn kho. Thị trường bắt đầu ổn định hơn và vì vậy, kim ngạch nhập khẩu giai đoạn này hồi phục trở lại, cụ thể là tăng nhẹ 1,4% về lượng và tăng 5,1% về giá trị kim ngạch so với năm 2010.
Tuy nhiên, đến năm 2012, kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU lại tụt dốc không phanh xuống còn 27.400 chiếc và 615 triệu USD, giảm xấp xỉ 50% về lượng và giảm hơn 40% về giá trị so với năm trước đó.
Năm 2012 có thể coi là "đáy" của ôtô nhập khẩu giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2017. Đáng chú ý là ngay sau khi lập đáy, ôtô nhập khẩu lại bắt đầu thốc ga để vọt một mạch lên mức đỉnh từ trước tới nay vào năm 2015.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU năm 2013 đạt 35.800 chiếc và 753 triệu USD, tăng 30,6% về lượng và tăng 22,3% về giá trị so với năm trước. Đến năm 2014, các con số thậm chí được nhân đôi, đạt 71.000 chiếc và gần 1,6 tỷ USD.
Chưa dừng lại, đỉnh điểm của ôtô nhập khẩu đã được thiết lập vào năm 2015 khi lượng xe về nước vọt lên 125.500 chiếc, đạt giá trị xấp xỉ 3 tỷ USD. Đây là các mức kỷ lục của kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU xét cả về lượng lẫn giá trị từ trước tới nay.
Nhưng cũng giống như khi lập đáy, sau đỉnh cao thì ôtô nhập khẩu lại liên tiếp đổ đèo. Nếu so sánh cùng kỳ sẽ thấy rất rõ đà sụt giảm. Cụ thể, tỷ lệ sụt giảm về lượng của năm 2016 so với 2015 là 10%, năm 2017 giảm tiếp 13,6% và quý 1/2018 giảm đến 84%. Trong khi đó, giá trị kim ngạch cũng giảm lần lượt 20,2% của năm 2016, giảm 6,1% năm 2017 và giảm đến 75,8% vào quý 1/2018.
Chính sách "nắn dòng"
Nếu coi kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU trong gần 10 năm trở lại đây như một chiếc xe thì những cú thốc ga đột ngột hay những cú đạp phanh dúi dụi rõ ràng là bất thường khi đặt trong bối cảnh thị trường diễn ra bình thường. Tuy nhiên, hiện tượng lập đỉnh rồi lại xuống đáy của kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU trong một thập niên vừa qua lại hoàn toàn dễ giải thích.
Như đã đề cập ở trên, sự bùng nổ của ôtô nhập khẩu năm 2009 xuất phát từ tình trạng trăm hoa đua nở. Thời điểm đó, các doanh nghiệp chỉ cần cử người sang nước ngoài mua xe tại các đại lý là có thể nhập khẩu về nước để bán. Trong nước, các doanh nghiệp thậm chí không cần phải có showroom mà chỉ cần thuê sân bãi chứa xe là cũng nghiễm nhiên tham gia thị trường.
Tình trạng tự do nhập khẩu dẫn đến sự bất ổn của thị trường, cùng với đó là quyền lợi người tiêu dùng về các chế độ hậu mãi như bảo hành, bảo dưỡng hay một khía cạnh khác, là sự ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất trong nước. Đó chính là khởi nguồn cho nhu cầu quản lý nhà nước đối với ôtô nhập khẩu.
Kết quả là ngày 12/5/2011, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Tình trạng tự do nhập khẩu dẫn đến sự bất ổn của thị trường đặt ra nhu cầu "nắn dòng" bằng các công cụ chính sách.
Với các quy định về thủ tục ủy quyền chính hãng và yêu cầu về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đạt tiêu chuẩn, Thông tư 20 xem như một hàng rào kỹ thuật được dựng lên nhằm ngăn chặn tình trạng tự do nhập khẩu ôtô.
Đó chính là câu trả lời cho cú đạp phanh dúi dụi của ôtô nhập khẩu năm 2012.
Khi thị trường chỉ đơn giản bị kiềm chế bởi yếu tố kỹ thuật thì khi các yếu tố kỹ thuật được xử lý ổn thỏa, thị trường ôtô nhập khẩu đã nhanh chóng tăng trở lại theo nhu cầu tiêu dùng. Một hình dung khác, Thông tư 20 như một chính sách nhằm "nắn dòng" ôtô nhập khẩu để đưa thị trường vào "quy củ", cụ thể hơn là dồn về các doanh nghiệp có quy mô lớn, đầu tư và kinh doanh có bài bản thay vì thả nổi như giai đoạn từ năm 2010 trở về trước.
Nền kinh tế phát triển ổn định giúp nhu cầu mua sắm ôtô tăng mạnh vào các năm 2014 và 2015. Không chỉ ôtô nhập khẩu, đây cũng là giai đoạn phát triển cực thịnh của cả các loại ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Sau khi đạt đỉnh vào năm 2015, kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU lại bắt đầu giảm xuống. Tuy nhiên, sự sụt giảm này thuần túy chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thị trường chứ không phải những tác động cụ thể từ chính sách.
Năm 2016, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô CBU từ các nước nội khối ASEAN giảm xuống còn 40% và đến năm 2017 giảm tiếp xuống còn 30%. Lẽ thường, thuế nhập khẩu giảm sẽ giúp thị trường phát triển nhờ giá bán lẻ giảm. Song vấn đề năm ở chỗ, theo lộ trình thì đến năm 2018, thuế suất sẽ giảm tiếp về 0%, đồng nghĩa là xóa bỏ.
Chính lộ trình cắt giảm thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã khiến cho người tiêu dùng đồng loạt dừng nhu cầu mua sắm để chờ đợi giá xe giảm.
Tuy nhiên, cũng chính lộ trình này lại đặt ra một nhu cầu "nắn dòng" khác từ chính sách. Để hỗ trợ công nghiệp ôtô trong nước và ổn định thị trường, cuối năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 với các quy định siết chặt ôtô nhập khẩu. Nghị định 116 giống như một hàng rào kỹ thuật được nâng cấp so với Thông tư 20 của Bộ Công Thương vốn dĩ đã hết hiệu lực.
Những quy định khắt khe tại Nghị định 116 thậm chí khiến cho cả các hãng xe lớn cũng khó đáp ứng. Theo tìm hiểu, tính đến thời điểm này mới chỉ có 10 hãng xe được chấp thuận Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô (VTA).
Đó chính là câu trả lời cho tình trạng thị trường gần như bị đóng băng trong giai đoạn quý 1/2018 và đến nay, cho dù thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN đã giảm về 0%, sức mua ôtô trên thị trường vẫn chưa thể khởi sắc.
Nhiều người kỳ vọng rằng, các lô xe nhập khẩu từ ASEAN sẽ ồ ạt về nước vào giai đoạn nửa cuối năm, có đó sẽ trở thành cứu cánh cho thị trường năm 2018. Nếu giữ nguyên tình trạng như từ đầu năm đến nay, 2018 đương nhiên sẽ trở thành "đáy" mới của ôtô nhập khẩu.
Việt Nam vẫn chưa chính thức bước vào giai đoạn ôtô hóa (motorization) và do đó, nhu cầu sở hữu của người dân là rất lớn. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư sửa đổi năm 2016, ôtô vẫn là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, khi thị trường còn nhiều bất ổn và khi ngành công nghiệp ôtô trong nước vẫn cần được hỗ trợ thì việc các chính sách được ban hành để "nắn dòng" ôtô nhập khẩu cũng là dễ hiểu.
Ôtô nhập khẩu chưa trọn vui đã vội lo
Một hàng rào mới nhiều khả năng sẽ sớm được dựng lên để hạn chế cuộc đổ bộ ào ạt của ôtô nhập khẩu nguyên chiếc...
Nhiều khả năng hàng rào mới đối với các loại ôtô nhập khẩu sẽ đi theo hướng tăng thêm các thủ tục và chứng nhận đối với những tiêu chuẩn kỹ thuật của ôtô CBU.
Sau khi Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô (VTA) do Chính phủ Thái Lan và Indonesia cung cấp, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô coi như đã vượt qua được "hàng rào" Nghị định 116.
Rất nhanh chóng, ngay đầu tháng 3/2018, những lô xe hưởng thuế nhập khẩu 0% đầu tiên đã cập cảng để mở đầu cho một cuộc đổ bộ ào ạt của ôtô nguyên chiếc (CBU) mang xuất xứ các nước ASEAN.
Dự tính bắt đầu từ tháng 4/2018, các loại ôtô CBU nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia sẽ ào ạt về nước. Việc của người tiêu dùng lúc này chỉ là chuẩn bị sẵn tâm thế để ký hợp đồng mua những chiếc xe với giá bán lẻ thấp hơn trước đây.
Bõ công chờ đợi có lẽ là tâm lý phổ biến vào lúc này của cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô. Bởi lẽ, với thuế suất thuế nhập khẩu giảm từ 30% hồi năm 2017 xuống còn 0% vào năm nay, giá bán lẻ các loại ôtô có xuất xứ ASEAN sẽ giảm quanh tỷ lệ 20% so với trước đây.
Thế nhưng, khi những chiếc xe nhập khẩu miễn thuế chưa kịp đến tay số đông người tiêu dùng, thị trường ôtô nhập khẩu lại phải đối mặt với một nỗi lo mới.
Ngày 22/3/2018, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giao thông Vận tải.
Cụ thể, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giao thông Vận tải "phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam đối với xe ôtô nguyên chiếc nhập khẩu, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về tăng cường quản lý chất lượng xe nhập khẩu, đồng thời phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế".
Hiểu cơ bản, hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn này sẽ giống như một hàng rào kỹ thuật mới mà qua đó, sẽ gây nên những khó khăn nhất định đối với các loại ôtô CBU trong tương lai.
Sau khi Thông tư 20 của Bộ Công Thương hết hiệu lực và các quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ đã được các doanh nghiệp "vượt qua", hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn mới sẽ ít nhiều nối tiếp nhiệm vụ chắt lọc ôtô nhập khẩu và phần nào hỗ trợ các loại ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Đây cũng là việc làm được xem là phù hợp để tạo thuận lợi cho mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô nội địa.
Một số ý kiến cho rằng, công nghiệp ôtô thế giới đã có lịch sử trăm năm phát triển, trình độ công nghệ cũng đang ở mức rất cao và thậm chí, nhiều quy định hay tiêu chuẩn của Việt Nam đã từng không theo kịp thế giới. Do vậy, những tiêu chuẩn và quy chuẩn mới sẽ khó lòng cản trở ôtô nhập khẩu nếu chỉ xét thuần túy về kỹ thuật.
Từ đó, đại diện một số doanh nghiệp nhận định, nhiều khả năng hàng rào mới đối với các loại ôtô nhập khẩu sẽ đi theo hướng tăng thêm các thủ tục và chứng nhận đối với những tiêu chuẩn kỹ thuật của ôtô CBU.
Dù còn khó hình dung hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn mới sau khi hoàn thiện và đưa vào áp dụng sẽ ra sao song ít nhất, giới kinh doanh vẫn lo lắng về những khó khăn mà thị trường ôtô nhập khẩu sẽ gặp phải.
Trong khi đó, ở thời điểm này, thị trường ôtô nhập khẩu vẫn chưa kịp bùng nổ với cuộc đổ bộ của xe miễn thuế từ các nước nội khối ASEAN.
Nín lặng chờ giá, ôtô nhập khẩu hứa hẹn bùng nổ
Nhiều mẫu ôtô bắt đầu được nhập khẩu từ các nước khu vực Đông Nam Á theo thuế suất mới 0%...
Honda là hãng xe mở màn cho cuộc đổ bộ sắp tới của ô tô nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia bằng việc công bố giá bán lẻ của 4 mẫu xe.
Đại diện các hãng xe phổ thông cho biết, việc hoàn tất các thủ tục theo quy định để có thể tiến hành nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước khu vực Đông Nam Á đang dần thuận lợi.
Được biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận giấy chứng nhận kiểu loại ôtô do phía Chính phủ Thái Lan cung cấp. Với động thái này, xem như rào cản đối với ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan đã được giải quyết.
Tại khu vực Đông Nam Á, ngoài Thái Lan, Việt Nam còn nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ Indonesia. Đây là hai quốc gia mà nhiều tập đoàn ôtô lớn trên thế giới đặt nhà máy sản xuất, lắp ráp quy mô lớn. Tuy nhiên, hiện Chính phủ Indonesia vẫn chưa cung cấp loại giấy tờ này và do đó, các doanh nghiệp tiếp tục chờ đợi để có thể hoàn thiện các thủ tục theo quy định tại Thông tư 03.
Ngay sau khi hàng rào đối với ôtô xuất xứ từ Thái Lan được vượt qua, một số hãng xe đã bắt đầu rục rịch nhập khẩu những lô hàng đầu tiên.
"Mở hàng" là Honda Việt Nam. Liên doanh Nhật bản cho biết, hiện lô xe đầu tiên với khoảng hơn 2.000 chiếc nhập khẩu theo thuế suất 0% đã về tới Việt Nam.
Cũng gần như lập tức, Honda Việt Nam tiến hành công bố giá bán lẻ cho 4 mẫu xe CR-V, Jazz, Civic và Accord. Trong đó, đáng chú ý nhất là mẫu xe CR-V và Jazz.
Từ đầu năm đến nay, dù thuế nhập khẩu theo quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã giảm về 0% song do chưa đáp ứng được các thủ tục nên lô xe CR-V đầu tiên vẫn phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu 30%. Do đó, giá bán lẻ của mẫu đa dụng thế hệ mới này không thấp như tính toán của Honda Việt Nam.
Sau khi nhập khẩu được theo thuế 0%, giá bán lẻ của CR-V đã giảm đến gần 200 triệu đồng. Đây rõ ràng là một tin vui đối với người tiêu dùng. Cùng với CR-V, Honda Việt Nam cũng chính thức báo giá đối với mẫu xe hoàn toàn mới là Jazz.
Một hãng xe Nhật Bản khác là Toyota Việt Nam cũng rục rịch đưa các mẫu xe mới từ Thái Lan về Việt Nam, trong đó có mẫu xe hoàn toàn mới là Wigo, mẫu hatchback Yaris, mẫu bán tải Hilux và nhiều khả năng sẽ thêm mẫu MPV đàn em của Innova là Avanza. Riêng mẫu SUV 7 chỗ ngồi bán chạy và dự kiến là mẫu SUV cỡ nhỏ Rush, do được nhập khẩu từ Indonesia nên thời gian chờ đợi hiện vẫn chưa xác định do chưa có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại từ đất nước vạn đảo.
Ngoài Toyota và Honda, một loạt các hãng xe khác cũng đã bắt đầu tiến hành nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan. Trong đó, có thể kế đến Suzuki với các mẫu xe như Ciaz, Ertiga, Celerio; Mitsubishi với Attrage, Mirage, Pajero Sport và Triton; Isuzu với D-Max và MU-X, Ford với Ranger và Everest; Nissan với Navara; GM với Chevrolet Colorado và Trailblazer…
Với lực lượng đông đảo các mẫu xe có xuất xứ từ các nước Đông Nam Á được hưởng thuế suất ưu đãi 0%, thị trường ôtô phổ thông nhập khẩu hứa hẹn sẽ tạo nên sự bùng nổ khi giá bán lẻ được kéo xuống thấp đáng kể.
Tuy nhiên, cũng theo Nghị định 116 và Thông tư 03 hướng dẫn thực hiện, ngoài vướng mắc về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại từ Indonesia chưa được hoàn thiện thì vẫn còn một khó khăn nữa cần phải giải quyết là quy định kiểm định theo lô.
Các hãng xe tính toán, sau khi ký các hợp đồng nhập khẩu thì cũng phải mất từ một đến hai tháng xe mới có thể cập cảng. Sau đó, với quy định mới về kiểm định theo lô, quãng thời gian kiểm định cho mỗi mẫu xe ở một lô xe sẽ mất thêm khoảng hai tháng. Vì vậy, nhanh nhất cũng phải đến tháng 5/2018 thị trường mới có thể có những chiếc xe đầu tiên hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%.
Do vậy, tại thời điểm này, thị trường gần như nín lặng để chờ đợi quãng thời gian bùng nổ vào nửa cuối năm nay.
Ôtô nhập khẩu "vỡ mộng"
Ngay các con số thống kê cũng vẽ nên một bức tranh ảm đạm của xe nhập khẩu những ngày đầu năm...
Năm 2017 đã chứng kiến một đợt bão giảm giá với cường độ mạnh và quy mô lớn chưa từng thấy.
Nghị định 116 được ban hành và có hiệu lực trong thời gian ngắn, khiến cho các doanh nghiệp gặp khó, không có đủ thời gian chuẩn bị cho giai đoạn chuyển tiếp. Đặc thù ngành ôtô là thời gian đặt hàng dài nên có trường hợp xe đã được đặt hàng, sản xuất trước ngày ban hành Nghị định nhưng không nhập khẩu được về Việt Nam, gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp và gián tiếp tác động tới người tiêu dùng.
"Vỡ mộng" xe giá rẻ
Cánh cửa 2018 đã mở ra được 3 tuần song viễn cảnh về một thị trường ôtô nhập khẩu giá rẻ như kỳ vọng của người tiêu dùng từ năm 2017 vẫn chưa thể thành hiện thực. Thậm chí ở thời điểm này, câu chuyện về giá đã trở thành mối quan tâm thứ yếu khi mà thị trường thậm chí không có xe để giao dịch.
Năm 2017, sức mua ôtô trên thị trường đã bị kéo tụt bởi tâm lý chờ đợi xe nhập khẩu giá rẻ từ khu vực Đông Nam Á. Điểm tựa cho tâm lý chờ đợi là lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước nội khối ASEAN giảm về 0% kể từ ngày 1/1/2018.
Dù tỷ lệ xe được hưởng thuế suất 0% không nhiều nhưng theo suy luận, khi giá bán lẻ của nhóm xe này giảm mạnh, các hãng xe sẽ buộc phải giảm giá nhiều loại xe khác để cạnh tranh, từ đó tạo nên một mặt bằng giá mới ở thị trường ôtô.
Tuy nhiên, Nghị định 116 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã thay đổi gần như tất cả.
Giữa tháng 11/2017, Honda Việt Nam giới thiệu ra thị trường CR-V thế hệ mới nhập khẩu từ Thái Lan và cam kết khi chính thức bán ra thị trường vào đầu năm 2018, giá bán lẻ của mẫu xe này sẽ dưới 1,1 tỷ đồng. Mức giá được liên doanh Nhật Bản cam kết dựa trên thuế suất thuế nhập khẩu 0% có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Thế nhưng, Honda đã "thất hứa" với người tiêu dùng khi áp dụng mức giá bán lẻ thực tế cao hơn đáng kể so với cam kết. Lý do không gì khác chính vì vướng Nghị định 116.
Theo giải thích của Honda Việt Nam, do chưa thể đáp ứng được các quy định tại Nghị định 116 nên chưa thể nhập khẩu xe với thuế suất 0% mà vẫn phải theo thuế suất 30% của năm 2017. Bởi vậy, giá bán lẻ không thể thấp được như kỳ vọng.
Trường hợp của Honda CR-V có lẽ vẫn còn là may mắn bởi trên thực tế, không ít hãng xe thậm chí phải tạm dừng các hoạt động giao dịch liên quan đến xe nhập khẩu.
Lường trước được khó khăn, ngay từ tháng 12/2017, Ford Việt Nam đã thông báo đến hệ thống đại lý về việc cắt các đơn hàng trong 2 tháng đầu năm 2018 đối với 2 mẫu xe nhập khẩu là Ranger và Explorer.
Tương tự Ford, nhiều hãng xe khác như Honda, Toyota, GM hay Suzuki… cũng đã dừng kế hoạch đưa các mẫu xe mới về thị trường Việt Nam cho dù đã "rục rịch" từ thời điểm diễn ra Triển lãm Vietnam Motor Show 2017. Trong đó, rất nhiều mẫu xe được thị trường kỳ vọng như Toyota Wigo, Honda Jazz, Suzuki Celerio hay Chevrolet Trailblazer…
Ngay các con số thống kê cũng vẽ nên một bức tranh ảm đạm của xe nhập khẩu những ngày đầu năm.
Cụ thể, thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tính sơ bộ trong nửa đầu tháng 1/2018, tổng lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu về nước chỉ đạt 60 chiếc, trong đó lượng xe chở người dưới 10 chỗ ngồi thậm chí đạt vẻn vẹn… 6 chiếc. Đây rõ ràng là một con số rất đáng suy ngẫm.
Rào cản
Những khó khăn đối với thị trường ôtô nhập khẩu trên thực tế đã được lường trước ngay từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 116 hồi tháng 10/2017. Ngay từ thời điểm đó, không ít những ý kiến phản hồi về Nghị định 116 đã được đưa ra.
Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô nhập khẩu, thuộc đối tượng của Nghị định 116 của Bộ Giao thông Vận tải quy định: "Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu là kết quả kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận của cơ quan tổ chức có thẩm quyền nước ngoài về chất lượng an toàn, kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với kiểu loại ôtô nhập khẩu vào Việt Nam".
Về yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại phát hành bởi nước xuất khẩu cho xe nhập khẩu về Việt Nam, có nhiều ý kiến cho rằng đây là yêu cầu duy nhất của Việt Nam.
Theo thông lệ quốc tế, nước nhập khẩu là quốc gia sẽ tiến hành thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận kiểu loại cho xe nhập vào nước mình, không có nước nào trên thế giới yêu cầu nước xuất khẩu phải cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho xe xuất khẩu vào nước khác. Đây cũng là quy trình đã được áp dụng ở Việt Nam trước ngày Nghị định 116 có hiệu lực.
Lý do là các xe ôtô xuất khẩu được sản xuất với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước nhập khẩu và tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể của từng quốc gia nhập khẩu. Do đó, thông số và tiêu chuẩn kỹ thuật của xe xuất khẩu và xe tiêu thụ trong nước không đồng nhất (tay lái thuận/nghịch, kích thước ghế ngồi, hệ thống khí thải…).
Chính bởi sự khác biệt này, việc thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận chất lượng cho xe xuất khẩu không phải là nhiệm vụ của nước xuất khẩu. Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại theo tiêu chuẩn Việt Nam không tồn tại trên thế giới và việc yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho xe xuất khẩu là không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, một số quốc gia (như Hoa Kỳ) cũng không có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại vì Chính phủ chỉ kiểm tra khí thải, hoặc để nhà sản xuất tự chứng nhận. Một số quốc gia có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho xe sản xuất trong nước của họ, nhưng sẽ không được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp nhận do có sự khác biệt về vị trí tay lái và thông số kỹ thuật.
Có một vài trường hợp, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu đúng kiểu loại xe đang lưu hành tại châu Âu về Việt Nam, họ may mắn có được giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền châu Âu cho loại xe lưu hành ở châu Âu. Tuy nhiên các xe này được sản xuất theo tiêu chuẩn khí thải hiện hành của châu Âu (Euro 6).
Tại chính nước Châu Âu, cơ quan có thẩm quyền cũng không cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho xe xuất khẩu ra ngoài châu Âu vì theo thông lệ quốc tế thì đó là nhiệm vụ của nước nhập khẩu xe.
Cũng theo dự thảo thông tư nêu trên, cơ quan soạn thảo cũng quy định phải kiểm tra từng lô xe (kiểu loại) về cảng (kiểm tra khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật).
Theo nhiều doanh nghiệp, quy định phê duyệt kiểu và thử nghiệm theo lô này được cho là gây lãng phí nguồn lực, gây quá tải cho các cơ sở kiểm định, làm lãng phí thêm thời gian, và làm phát sinh chi phí, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Với hiện trạng công suất phòng thử nghiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này gây quá tải cho các cơ sở thử nghiệm (nếu tính riêng 17 loại xe nhập khẩu với giả định mỗi hãng chỉ nhập 1-2 dòng xe và 1-2 lần nhập trong tháng, sẽ mất đến khoảng 400 ngày dự kiến thử nghiệm cho các nhà sản xuất).
Thời gian chờ đợi thử nghiệm, cần tới 2 tháng và chi phí khoảng 10.000 USD cho việc thử nghiệm một kiểu loại trong từng lô hàng (chưa kể chi phí lưu kho, bến bãi…).
Trung bình với các xe nhập khẩu, thời gian từ khi sản xuất đến tay khách hàng tại Việt Nam dao động từ 2-3 tháng, nếu cộng thêm 2 tháng cho việc chờ đợi kiểm định, tổng thời gian lên tới 4-5 tháng.
Với thực tế này, cơ hội lựa chọn, sở hữu xe ôtô của người tiêu dùng bị hạn chế, thậm chí cả đối với xe ôtô nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN (Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản) với mức thuế nhập khẩu tới 70%. Điều đó đồng nghĩa với sự thiệt thòi cho người tiêu dùng Việt.
Xe360.vn (nguồn vneconomy)