Những mẫu ô tô giá rẻ chỉ 200 triệu đồng dự định vào Việt Nam giờ có thể “lỗi hẹn” với người tiêu dùng vì lý do này.
Theo Vietq, tại sự kiện triển lãm ô tô Việt Nam diễn ra tại TP.HCM hồi tháng 8 vừa qua, người tiêu dùng Việt không khỏi hào hứng trước sự có mặt của loạt xe giá rẻ, được các hãng ồ ạt giới thiệu.
Cụ thể, hãng xe Suzuki Việt Nam mang đến trình làng cho người tiêu dùng Việt mẫu xe Suzuki Celerio 2017 giá “siêu rẻ”. Tại Ấn Độ, giá bán của Suzuki Celerio chỉ từ 6.250 USD (tương đương 143 triệu đồng) trong khi tại Thái Lan là 10.940 USD (251 triệu đồng).
Toyota Wigo "lỗi hẹn" với khách hàng Việt Nam. Ảnh: Carinindia.
Trong khi đó, Toyota cũng vừa đưa hai dòng xe nhỏ chiến lược là Wigo và Avanza ra giới thiệu tại thị trường Việt Nam. Được biết, dòng xe này được lắp ráp và bán ra trước đó ở thị trường Indonesia, mức giá từ 224 triệu đồng và 347 triệu đồng.
Cả 2 mẫu xe mới mà Toyota giới thiệu lần này đều hướng đến nhóm khách hàng lần đầu mua sắm ô tô. Dòng xe nhỏ đưa về Việt Nam dự kiến sẽ cạnh tranh trực tiếp với dòng xe nhỏ như Kia Morning hay Hyundai i10, Chevrolet Spark.
Ngoài ra, cả 3 mẫu xe này đều được nhà sản xuất thời điểm đó cam kết sẽ được bán ra chính thức ngay từ đầu năm 2018 và được hưởng lợi từ việc giảm thuế xuống 0%.
Tuy nhiên, theo báo Vietnamnet đưa tin trước đó, Nghị định mới ban hành hồi tháng 10/2017 đã khiến cho “giấc mơ” ô tô giá rẻ của người Việt đành phải “tạm gác” sang một bên.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 116/2017 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 17/10/2017.
Theo các doanh nghiệp (DN) và chuyên gia, quy định mới này không hề cởi trói nhập khẩu ô tô như nhiều người mong đợi mà còn siết chặt hơn so với các quy định cũ. Hàng loạt điều kiện mới có thể khiến nhiều nhà kinh doanh ô tô nhập khẩu dẹp tiệm.
Nghị định 116 nêu rõ để kinh doanh ô tô nhập khẩu, cả xe chưa qua sử dụng lẫn xe đã qua sử dụng, DN tại Việt Nam (VN) phải có văn bản xác nhận được quyền thay mặt hãng sản xuất lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại VN. Đồng thời phải được cơ quan ngoại giao VN ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự.
Bình luận về điều kiện mới ban hành, ông Tấn Trần, giám đốc một công ty nhập khẩu ô tô, cho rằng quy định này chỉ có lợi cho các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng và gây bất lợi với những đơn vị nhập khẩu ô tô không chính hãng. Riêng ô tô cũ nhập khẩu có thể sẽ hết đường vào VN.
Lý do là hiện nay các hãng xe nước ngoài thường chỉ cấp giấy xác nhận triệu hồi cho một đơn vị. Hơn nữa, những đơn vị nhập khẩu không chính hãng sẽ không dễ gì có được văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh được nhà sản xuất ở nước ngoài ủy quyền thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại VN.
Không chỉ vậy, Nghị định 116 còn quy định: Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải đáp ứng điều kiện có cam kết về việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô của DN sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài.
Xác nhận với báo giới, đại diện Toyota VN cho rằng do vướng phải những quy định trên toàn bộ những mẫu xe nhập khẩu trong năm 2018 sẽ đều bị ảnh hưởng, đáng kể nhất là Fortuner, Yaris và Wigo.
Theo đó, hàng loạt mẫu xe nhập khẩu được khách hàng ưu chuộng của hãng như Fortuner, Yaris hay Wigo sắp tới "lỡ hẹn" với khách hàng vào đầu năm 2018. Do đó, đầu năm tới, Toyota VN sẽ phải tập trung bán các dòng xe sản xuất lắp ráp trong nước với những sản phẩm chủ lực như Innova, Vios, Corolla Altis…
Saobiz.vn (nguồn baomoi)