8 thương hiệu xe du lịch và 2 nhà sản xuất xe thương mại đã cùng tham gia vào một dự án chung với hy vọng tìm cách tối ưu quy trình lắp ráp và tối thiểu hóa lượng vật liệu họ cần sử dụng trong sản xuất.
Cụ thể, BMW, Daimler, Ford, Honda, Jaguar Land Rover, Toyota chi nhánh châu Âu, Volkswagen, Volvo Cars, Volvo Truck và Scania là những thương hiệu đã ký tên vào dự án Drive Sustainability (Sản xuất bền vững).
Dự án DS đã và đang nghiên cứu các phương án để nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng công nghiệp bao gồm các giai đoạn khai thác tài nguyên, xử lý chúng và đưa vào sản xuất trong 5 năm qua. Mục tiêu chính của 10 thương hiệu trên khi tham gia vào DS là; hoặc giảm số lượng vật liệu họ cần sử dụng, hoặc cải thiện tính tiết kiệm, bền vững qua các loại vật liệu mới cần thiết để lắp ráp ô tô.
Nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng thực tế, công đoạn này rất quan trọng khi xe hơi, dù đã sở hữu công nghệ chế tạo hiện đại hơn nhiều trong vài năm qua, vẫn là một trong những ngành công nghiệp tiêu tốn lượng vật liệu nhiều nhất.
Ngành công nghiệp chế tạo xe hơi tiêu tốn một lượng vật liệu khổng lồ mỗi năm.
Các vật liệu chế tạo nên một chiếc xe cơ bản bao gồm thép (47%), sắt (8%), nhựa (8%) nhôm (7%) và thủy tinh (3%). Nhu cầu mua các loại vật liệu trên đang ngày một tăng lên trong những năm qua đi đôi với tỉ lệ tăng trưởng của ngành công nghiệp ô tô. Thêm vào đó, sự phát triển của dòng xe điện cũng khiến các kim loại đất hiếm như neodymium, dysprosium và terbium hay thậm chí cả lithion ion bị săn lùng nhiều hơn. Cần biết, công đoạn khai thác các kim loại nói trên tốn rất nhiều năng lượng.
Theo Drive Sustainability, việc gia tăng khai thác các kim loại hiếm ít được quan tâm và cũng không có các quy định giới hạn cần thiết để bảo vệ môi trường. Tại nhiều quốc gia, luật pháp thậm chí còn không đề cập tới các kim loại trên, do đó việc khai thác có thể diễn ra liên tục dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đồng thời làm cạn kiệt những nguồn vật liệu có hạn này.
Bên cạnh đó, dù ngày nay ô tô đang sử dụng chất liệu nhựa rộng rãi hơn để dễ tái chế thì trên thực chất, tỉ lệ nhựa được tái chế khi xe hết vòng đời lại rất thấp, chẳng hạn như tại Anh chỉ có 10%.
Hiện tại, có lẽ chỉ các nhà cung ứng lốp xe đang sở hữu cho mình một hướng đi có lợi về lâu dài khi nhiều thương hiệu lớn như Michelin, Continental đang chuyển sang dùng cao su tự nhiên. Họ cũng tự phát triển cho mình công đoạn nuôi trồng, khai thác, bảo vệ cây cao su để đảm bảo có lợi nhất cho môi trường.
Xe360.vn (nguồn autopro)