Với mức ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện còn 0% trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, các hãng ô tô lớn tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi.
Nghị định 125/2017/NĐ-CP ban hành ngày 16/11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP có những thay đổi về thuế nhập khẩu mặt hàng ô tô đã qua sử dụng và ưu đãi với linh kiện ô tô. Trong khi xe cũ nhập khẩu được áp mức thuế tăng cao hơn trước thì xe lắp ráp mới lại có cơ hội giảm giá bởi thuế nhập khẩu linh kiện sẽ về 0% kể từ ngày 1/1/2018.
Tuy nhiên, cánh cửa đi đến ưu đãi không rộng mở đối với tất cả những hãng xe lắp ráp trong nước. Điều 7a trong Nghị định có nêu rõ các yêu cầu tối thiểu để một hãng ô tô có thể được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện mới. Không phải hãng xe nào cũng có thể đáp ứng được hạn mức này.
Cụ thể, trong năm 2018, sản lượng chung tối thiểu của một hãng là 8.000 xe và đối với một mẫu xe cam kết là 3.000 xe trong giai đoạn 6 tháng. Tính trung bình, mỗi hãng phải có một mẫu xe có doanh số từ 500 chiếc/tháng thì sản lượng xe tối thiểu mới đáp ứng được con số 3.000.
Mức sản lượng yêu cầu để được hưởng ưu đãi.
Với quy định này, dường như chỉ có những "ông lớn" như THACO (với thương hiệu Mazda và Kia), Hyundai Thành Công và Toyota mới có thể đạt được. Toyota hiện vẫn có Vios doanh số tốt nhất, với hơn 1.000 chiếc bán ra mỗi tháng. Các mẫu xe khác cũng được lắp ráp trong nước gồm Corolla Altis, Camry và Innova đều có doanh số khả quan.
Mazda và Kia có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu nhờ các mẫu xe chủ lực như Mazda3, Mazda CX-5 và Kia Morning. Tương tự, Hyundai có lợi thế với hai mẫu xe lắp ráp bán chạy là Grand i10 và Santa Fe. Tổng sản lượng 8.000 xe trong nửa năm không phải là thách thức lớn đối với hai tập đoàn này.
Dựa theo báo cáo bán hàng VAMA từ đầu năm đến nay cộng thêm việc ra mắt mẫu xe CR-V 7 chỗ mới, Honda cũng là một hãng xe tiềm năng được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0% trong thời gian tới.
Ngược lại, quy định mới đã tạo ra rào cản đối với những hãng xe khác. Những mẫu xe chủ lực được lắp ráp trong nước như Suzuki Swift hay Ford EcoSport hiện nay đều có doanh số không cao nên các hãng xe khó có thể xuất xưởng được tới 3.000 xe/mẫu trong nửa năm.
Kể từ năm 2019, mức sản lượng tối thiểu đặt ra càng tăng cao khiến các hãng xe có thị phần nhỏ càng gặp khó. Khi đó, việc nhập khẩu xe trong khu vực ASEAN sẽ được cân nhắc đến. Hiện tại, các hãng Suzuki, Mitsubishi, Ford hay Nissan đều có những sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.
Việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0% kể từ năm 2018 đã góp phần giảm bớt sức ép đối với xe lắp ráp trong nước trước ưu đãi thuế nhập khẩu xe nội khối 0%. Bên cạnh đó, nhờ thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe có động cơ nhỏ giảm 5%, cơ hội sở hữu ô tô giá "mềm" đang đến gần hơn với người tiêu dùng.
Xe360.vn (nguồn autopro)