Crossover MPV là sự pha trộn giữa kiểu xe MPV với SUV hoặc có thể hiểu Crossover MPV chính là một chiếc MPV nâng gầm mà đại diện rõ nét nhất chính là Toyota Innova. Tuy nhiên Innova sắp tới sẽ gặp phải sự cạnh tranh không nhỏ bởi một sản phẩm mới của Mitsubishi Việt Nam: Xpander!
Xpander là MPV 7 chỗ cỡ nhỏ, Innova là MPV 8 chỗ cỡ trung. Xpander dẫn động cầu trước, Innova dẫn động cầu sau. Xpander có kiến trúc khung liền khối monocoque giống xe du lịch, còn Innova sử dụng khung gầm rời body on frame chia sẻ từ xe bán tải. Để so sánh 2 chiếc xe với nhau không thực sự hợp lý. Tuy nhiên, Innova đã và đang là chiếc xe có thương hiệu trong lòng người tiêu dùng Việt Nam , là tấm gương Xpander phải noi theo nếu muốn trở thành một hiện tượng mới.
Về mặt ngoại hình, thiết kế phần đầu của Mitsubishi Xpander thật sự ấn tượng và khác biệt. Bộ mâm kích thước 16” trên cả 2 bản Xpander số sàn và số tự động có thiết kế khá đẹp mắt và hiện đại.
Vì là một chiếc MPV nâng gầm nên Xpander sở hữu khoảng sáng gầm xe 206 mm, thông số này không thua gì những chiếc SUV trên thị trường. Khả năng lội nước của Xpander là hơn 40 cm rất phù hợp với những địa hình hay xảy ra hiện tượng tụ nước và điều kiện đường xá không được tốt.
Mitsubishi cũng không nằm ngoài xu hướng của các hãng xe phổ thông hiện nay khi sử dụng chủ đạo vật liệu nhựa cứng làm cho giống da cho khoang nội thất.
Thiếu chi tiết gác tay hàng ghế trước và thiết kế cần phanh tay quá xá là thô. Nếu như Mitsubishi làm bệ tỳ tay này cao thêm chút nữa thì người lái có thể sử dụng nó làm chỗ tỳ cho tay đỡ mỏi trong những chuyến đi xa. Phanh tay ncó cảm giác quá khổ so với kích thước của Xpander.
Không gian hàng ghế thứ 2 của Xpander khá tốt. Mitsubishi đã khéo léo nâng phần nệm bên dưới lên cao hơn để tư thế người ngồi ít mở rộng phần chân ra phía trước. Hàng ghế này có thể điều chỉnh được độ ngả lưng nhiều hơn và trượt tới lui để mở rộng không gian cho hàng ghế thứ 3.
Có một chi tiết ở hàng ghế thứ 2 mà đội ngũ thiết kế Mitsubishi rất quan tâm tới nhu cầu của người dùng. Đó là túi để smartphone sau lưng ghế lái xe.
Hàng ghế thứ 3 của Xpander có thể gập lại thành một mặt sàn phẳng. Về mặt này Xpander bố trí thông minh hơn kiểu treo ghế sang 2 bên của Innova. Ngoài ra, hàng ghế thứ 2 chúng ta cũng có thể gập thành mặt phẳng theo kiểu 40:20:40 để mở rộng không gian chứa đồ khi cần.
Để vào hàng ghế thứ 3, chúng ta chỉ cần 1 chạm để gập hàng ghế thứ 2 lại. Rất tiện. Việc ra vào hàng ghế thứ 3 cũng cực kỳ dễ dàng.
Hàng ghế thứ 3 của Xpander tốt hơn hẳn so với đối thủ trực tiếp hiện nay là KIA Rondo. Với không gian đầu và chỗ để chân như thế này thì 2 người lớn cao dưới 1m7 vẫn có thể ngồi một cách thoải mái trong những chuyến đi dài. Ngoài ra, chúng ta còn có thể chỉnh đc độ ngả lưng của hàng ghế này. Đây là chi tiết rất được ưa thích trên Innova và nay Xpander cũng có. Nói chung xét về độ thực dụng hàng ghế thứ 3 thì Xpander chỉ thua Innova ở chỗ là nó chỉ có 2 ghế, còn Innova là 3.
Cửa cốp sau Xpander mở bằng tay. Không gian khoang hành lý của Xpander cũng rất tốt khi ngồi đủ 7 người với chiều sâu khoang hành lý của Xpander lớn hơn KIA Rondo và tương đương Innova. Tuy nhiên, bấy nhiêu đây vẫn không đủ 7 người đi những chuyến dài ngày. Trường hợp các bạn muốn mở rộng khả năng chứa đồ thì chỉ có lắp thêm hộp đựng hành lý trên mui là vấn đề được giải quyết.
Trang bị tiện nghi của Xpander bản số sàn chỉ dừng ở mức cơ bản và hầu như mọi thứ đều chỉnh bằng tay: từ ghế, đèn, gạt mưa, cho đến máy lạnh. Gương chiếu hậu 2 bên chỉnh điện nhưng gập thì vẫn bằng tay. So với bản tự động thì nó thiếu kiểm soát hành trình Cruise Control, chìa khóa thông minh, camera lùi và đầu giải trí DVD 6 loa. Đầu giải trí của bản số sàn khá nghèo nàn khi không có kết nối Bluetooth và chỉ có 4 loa.
Bù lại trang bị an toàn của Xpander cũng rất ổn khi cả 2 bản đều có ổn định thân xe điện tử và hỗ trợ khởi hành ngang dốc.
Bên dưới nắp ca pô của Mitsubishi Xpander là động cơ xăng hút khí tự nhiên 1,5 lít, 4 xy lanh thẳng hàng, cam đôi, và có công nghệ van biến thiên mà Mitsubishi gọi là MIVEC. Động cơ này cho công suất tối đa 103 mã lực và mô men xoắn cực đại 141 Nm.
Chiều dài tổng thể của Xpander ngắn hơn Innova khoảng 25 cm, nhưng không gian bên trong của Xpander vẫn tương đương Innova. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở chiều dài khoang động cơ. Xpander có cấu hình dẫn động cầu trước nên động cơ đặt ngang không cần không gian khoang máy dài như kiểu đặt dọc của xe dẫn động cầu sau như Innova.
Tuy nhiên, điểm thú vị nhất ở trong khoang động cơ của Xpander đó là việc Mitsubishi bố trí sẵn một thanh ổn định (strut bar) nối 2 đầu phuộc ngay từ lúc xuất xưởng. Thanh ổn định hay còn gọi là thanh giằng này thường là một món nâng cấp thêm trên những dòng xe phổ thông. Công dụng của nó là giúp giảm độ nghiêng thân xe khi vào cua và giúp phản ứng thân xe chắc chắn hơn.
Trải nghiệm thực tế chúng tôi thấy động cơ 1,5 lít 103 mã lực của Xpander cho cảm giác rất bốc ở nước đề, nhưng rút hậu ở tua máy từ 3.000 vòng/phút trở lên thì lại ì ạch. Nết chạy này được quyết định phần lớn bởi cách chọn tỉ số truyền cuối thiên về nước đề hơn của Mitsubishi. Điều này hoàn toàn hợp lý với một mẫu xe 7 chỗ máy nhỏ như Xpander. Thế nên những ai mới làm quen với Xpander sẽ thấy rất ngạc nhiên về độ bốc ban đầu của nó.
Câu hỏi mà nhiều người băn khoăn nhất là liệu động cơ 1,5 lít của Xpander có đủ khỏe như động cơ 2,0 lít của Innova hay không? Để trả lời vấn đề này, chúng ta phải xét tới tỉ số công suất chia trọng lượng. Tỉ số này trên Xpander là 84 mã lực/tấn, còn Innova là 78 mã lực/tấn. Lý do là vì động cơ 2,0 lít 137 mã lực của Innova có thể mạnh hơn, nhưng trọng lượng bản thân của Innova lại nặng hơn đáng kể so với Xpander. Cụ thể Xpander chỉ nặng có hơn 1,2 tấn. Trong khi Innova nặng tới 1,75 tấn. Các bạn sau đi mua xe cũng nên quan tâm tới tiêu chí trọng lượng quyết định sức mạnh đó được phân bổ như thế nào xuống mặt đường nhé.
Phiên bản Xpander MT được trang bị hộp số sàn 5 cấp. Về cơ bản các bước số và cảm giác chân côn nhẹ nhàng của hộp số sàn làm người lái thử khá hài lòng. Mitsubishi còn trang bị tính năng hỗ trợ khởi hành ngang dốc cho cả Xpander số sàn. Tức là xe sẽ tự giữ phanh trong khoảng 3 giây sau khi người lái buông chân phanh ra và chuyển qua chân ga để dậm thêm miếng ga chẳng hạn.
Cảm giác vô lăng trợ lực điện của Xpander không quá nhẹ, cũng không quá nặng. Phản hồi từ mặt đường lên vô lăng cũng khá thật. Độ nghiêng thân xe của Xpander được kiểm soát rất tốt ở khía cạnh một chiếc MPV nâng gầm. Độ lanh và đầm chắc của thân xe cũng rất ấn tượng. Có lẽ là nhờ vào thanh ổn định phía trước mà Mitsubishi trang bị sẵn cho Xpander. Nói không ngoa thì chiếc Xpander vẫn giữ nhiều “chất” lái của một chiếc xe gầm thấp.
Hệ thống treo của Xpander cho cảm giác cân bằng, chứ không quá mềm như kiểu Rondo. Những mấp mô trên mặt đường hệ thống treo Xpander vẫn xử lý rất êm ái. Tuy nhiên, khi đi qua những cùng đường dằn xóc mạnh như gờ giảm tốc thì Xpander cho cảm giác tưng rõ rệt. Lý do có thể nằm ở giới hạn của cấu hình treo sau loại dầm xoắn.
Khả năng cách âm của Xpander cũng rất xuất sắc trong tầm giá mặc dù Xpander chỉ được trang bị bộ lốp thuộc dòng tiết kiệm Ecopia của Bridgestone, chứ chưa phải là một dòng lốp cao cấp thiên về êm ái.
Cảm giác phanh có lẽ là điểm ít nổi bật nhất trong tổng thể khả năng vận hành của Xpander. Phanh sau của Xpander vẫn là loại tang trống để tiết kiệm chi phí, chứ chưa phải loại đĩa như phanh trước. Cảm giác phanh của Xpander nhìn chung thiên về hướng thoải mái, mượt mà nhưng không đủ đem lại sự tự tin khi chạy nhanh.
Về khả năng tiêu hao nhiêu liệu thì theo công bố mức tiêu hao nhiên liệu trung bình của Xpander là 6,1 lít/100 km.
Tóm lại thì Xpander có đủ tố chất để trở thành hiện tượng mới? Theo đánh giá chủ quan của chúng tôi thì Xpander rất có thể. Tiết kiệm nhiên liệu, cảm giác lái tốt, cách âm tốt, giá rẻ hơn so với Innova gần 200 triệu. Chỉ trừ một việc là Xpander ít hơn 1 chỗ so với Innova. Chúc các bạn sẽ tìm được chiếc xe ưng ý cho riêng mình.
Xe360.vn (Nguồn bài và ảnh: Tinhte)